Hội nghị xúc tiến tiêu thụ và kết nối giao thương các sản phẩm sâm Nam núi Dành tỉnh Bắc Giang năm 2024

April 04, 2024

Ngày 30/3, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ và kết nối giao thương các sản phẩm sâm Nam núi Dành. Hội nghị với sự tham dự của Lãnh đạo của một số sở, ban, ngành của tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo huyện Tân Yên; các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, hợp tác xã (HTX) cùng các hộ trồng sâm trên địa bàn huyện Tân Yên.

Hội nghị được tổ chức nhằm đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành ở thị trường trong và ngoài nước gắn với quảng bá sản phẩm, giới thiệu nguồn gốc, chất lượng, quy trình trồng, chăm sóc, chế biến. Qua đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, thương nhân tìm kiếm đối tác, ký kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân trên địa bàn.   

Sâm Nam núi Dành được ví như liều thuốc thảo dược quý có nhiều tác dụng bồi bổ sức khỏe. Theo y học cổ truyền, người dân thường dùng sâm Nam núi Dành giúp làm sáng mắt; hỗ trợ điều trị ho, cảm sốt, đau đầu và các bệnh mạn tính như viêm gan, thấp khớp. Theo y học hiện đại, nhiều nghiên cứu khoa học đã phân tích, chỉ rõ sâm có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tan máu bẩm sinh, đái tháo đường, chống lại tình trạng tăng huyết áp do rối loạn chuyển hóa và tiểu đường tuýp 2, hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp...
Quanh núi Dành, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang ngày nay vẫn còn lưu truyền câu chuyện dân gian, nhờ có Sâm nam núi Dành mà chữa lành mắt cho mẹ của vua Tự Đức và từ đó Sâm nam núi Dành trở thành sản vật tiến vua. Thời đó, nếu làng nào quanh núi Dành tìm được một củ Sâm nam núi Dành nộp lên trên thì năm đó cả làng được miễn thuế.

Dần dần, núi Dành chỉ còn lại sim, mua, gột và sau này là thông và bạch đàn. Ngỡ tưởng Sâm nam núi Dành đã không còn nữa, thế nhưng may mắn năm 2010 người dân lại phát hiện một gốc Sâm cổ ở làng Hậu, xã Liên Chung ngay dưới chân núi Dành.

Tại Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ Sâm nam núi Dành, Tiến sĩ Đồng Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm sinh học công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam) cho biết: “Kết quả phân tích định lượng, củ sâm sau 7-8 năm trồng có hàm lượng Saponin khoảng 5% (thành phần hóa học chính trong sâm, có tác dụng bồi bổ sức khỏe), cao gấp 1,5 lần so với sâm Hàn Quốc. Tuy vậy, trước đây, người dân thường sử dụng sâm theo thói quen truyền thống như: Ngâm rượu, ngâm với mật ong. Cách làm này chưa khai thác hết giá trị của loài dược liệu quý. Từ nghiên cứu và thực tiễn, tôi nhận thấy, để sản phẩm sâm Nam núi Dành đến được với nhiều người tiêu dùng hơn nữa, cùng với các giải pháp thu hút đầu tư, mở rộng quy mô vùng trồng, nâng chất lượng sản phẩm, các nhà sản xuất cần có giải pháp giảm giá thành, giúp người dân có nhu cầu đều tiếp cận được với sản phẩm này. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đa dạng hóa sản phẩm được bào chế từ hoa, củ sâm dưới dạng khô, bột... để có thể lưu giữ, sử dụng lâu dài”. 

Hiện, Tân Yên có khoảng 125ha sâm Nam núi Dành được trồng tại các xã Việt Lập, Liên Chung, thị trấn Cao Thương. Năm 2024 diện tích sâm Nam núi Dành huyện đã và đang thu hoạch trên 115ha trong đó có trên 18ha cho thu hoạch củ sản lượng ước đạt khoảng 30 tấn; 115ha cho thu hoạch hoa sản lượng ước đạt năm 2024 dự kiến trên 60 tấn.

Thời gian thu hoạch hoa dự kiến từ 15/8 đến 30/9 hàng năm. Hiện nhiều sản phẩm từ cây sâm đã được chế biến thành nhiều sản phẩm như: Hoa, củ sâm tươi, trà sâm, dầu gội đầu, sâm hòa tan, nước ngọt, nước tăng lực, nước bổ dưỡng, thuốc thảo dược viên sáng mắt núi dành, rượu sâm, trà hoa sâm... và sẽ tiếp tục nghiên cứu đa dạng trong thời gian tới.

Sản phẩm Sâm nam núi Dành được Công ty TNHH Sâm nam Hòa Anh chế biến.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Trần Văn Khiển - Giám đốc Hợp tác xã Sâm núi Dành Đức Hạnh cho biết: Bắt đầu xuống giống sâm núi Dành (lá nhỏ) từ tháng 1/2022, đến nay, tổng diện tích đã xuống giống của Hợp tác xã sâm núi Dành Đức Hạnh là hơn 3ha tại thôn Hậu, xã Liên Chung với tổng số giống đã trồng gần 40 nghìn bầu.

“Việc sản xuất, chế biến sâm núi Dành tại HTX được canh tác theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỷ lệ cây giống sống, sinh trưởng phát triển đạt hơn 90%; vụ hoa năm 2023 (vào tháng 9, 10/2023) đã thu hoạch khoảng 2 tấn hoa tươi. Sau 2 năm kiểm tra gốc sâm đã có củ to hơn ngón tay, dài 30 cm, màu vàng, có mùi thơm đặc trưng… Hiện 100% diện tích sâm đã lên giàn.”- ông Khiển chia sẻ.
Thời gian qua, UBND huyện Tân Yên đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu chủ động tổ chức triển khai và phát triển các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sâm Nam.

Huyện Tân Yên đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ Đề án Phát triển sâm Nam núi Dành trên địa bàn huyện Tân Yên giai đoạn 2022-2027; tập trung chỉ đạo người dân sản xuất tập trung theo chuỗi; xây dựng, mở rộng vùng sản xuất sâm Nam đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobGAP, hữu cơ; tuân thủ các quy định đối với mã số vùng trồng trong khâu sản xuất.

Đồng thời, thông tin, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức, ý thức trong chấp hành quy định điều kiện để sản phẩm sâm nam đáp ứng các điều kiện của doanh nghiệp, người tiêu dùng hướng tới xuất khẩu; Nâng cao hiệu quả và quản lý bảo vệ phát triển sâm Nam trên địa bàn huyện, đặc biệt là vấn đề quản lý chỉ dẫn địa lý, nâng cao chất lượng sản phẩm trong thu hoạch, bảo quản, chế biến và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ sâm cũng như mẫu mã bao bì sản phẩm sau khi được chế biến và bán ra thị trường; đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường. 

Tags: